Chốt thời điểm khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào ngày 22/12/2023

Cao Bằng sẽ bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ dự án và thực hiện đầy đủ các cam kết với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công.

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hôm 9/10.

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) hôm 9/10.

Ngày 9/10, tỉnh Cao Bằng tổ chức họp Ban Chỉ đạo dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) dưới sự chủ trì của ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng.

Thành phần tham dự cuộc họp sáng nay bao gồm tất cả lãnh đạo cơ quan ban, ngành, chính quyền địa phương của tỉnh Cao Bằng, liên danh nhà đầu tư quan tâm dự án (Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu liên danh) và tổ chức tín dụng quan tâm dự án (Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - VP Bank).

Chỉ định thầu nhà đầu tư

Trước khi cuộc họp bắt đầu, ông Trần Hồng Minh, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng thông báo nhanh kết quả buổi làm việc vào ngày hôm qua với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

"Tôi đã báo cáo và Thủ tướng Chính phủ rất vui mừng khi dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ được khởi công vào ngày 22/12/2023, nhân dịp 79 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam", ông Trần Hồng Minh nói.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, bởi cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là tuyến đường có nghĩa rất lớn trong việc tháo gỡ điểm nghẽn để Cao Bằng phát triển KT-XH và Cao Bằng cũng là nơi khai sinh của Quân đội nhân dân Việt Nam", ông Minh chia sẻ.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết thêm, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ phấn đấu thông tuyến vào cuối năm 2025. Đây sẽ là cuộc họp cuối cùng để rà soát tổng thể trước khi khởi công dự án.

Ông Lưu Công Hữu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, ngày 15/9/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định phê duyệt dự án đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 14.331,61 tỷ đồng. Cơ cấu nguồn vốn gồm: Vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ khoảng 6.580 tỷ đồng (vốn ngân sách địa phương: 4.080 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương: 2.500 tỷ đồng) và vốn nhà đầu tư huy động khoảng 7.751,61 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự án giai đoạn 1 khoảng 25 năm 3 tháng.

Về kế hoạch bố trí vốn cho dự án, ngày 18/9/2023, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho dự án là 1.282,54 tỷ đồng, gồm: Vốn ngân sách trung ương (500 tỷ đồng) và vốn ngân sách địa phương (782,54 tỷ đồng).

"Đối với mỏ vật liệu phục vụ thi công dự án, hiện nay, Sở TN&MT tỉnh Cao Bằng đang hoàn thiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản, dự kiến hoàn thành trong tháng 11/2023", ông Hữu thông tin.

Liên quan đến công tác lựa chọn nhà đầu tư dự án, ông Hữu cho biết, dự án đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế chỉ định thầu.

"Sau khi công bố mời thầu theo thời gian quy định, dự án chỉ có một nhà đầu tư quan tâm là liên danh nhà đầu tư do Tập đoàn Đèo Cả đứng đầu. Ngay sau cuộc họp này, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng ký duyệt văn bản gửi Tập đoàn Đèo Cả để triển khai các bước tiếp theo", ông Hữu nói và cho biết, công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành trong tháng 11/2023, dự án tổ chức khởi công xây dựng trong tháng 12/2023.

Tập trung mọi nguồn lực

Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có tổng chiều dài khoảng 93,35 km.Điểm đầu Dự án Km0+00 tại nút giao khu vực cửa khẩu Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn; điểm cuối Km93+350 điểm giao với QL3 thuộc xã Chí Thảo, huyện Quảng Hòa, tỉnh Cao Bằng. Trong giai đoạn 1, Dự án xây dựng quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17 m (đối với các đoạn thông thường) và 13,5 m (đối với các đoạn khó khăn), đảm bảo cho xe chạy với tốc độ 80 km/h.

Đại diện liên danh nhà đầu tư quan tâm dự án, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết: "Chúng tôi đã đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng vào các dự án hạ tầng giao thông nhưng chưa có dự án nào đặc biệt như cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh".

Phân tích những điều đặc biệt tại dự án này, ông Hoàng cho biết, trước hết là về quy hoạch, dự án được điều chỉnh thực hiện trong giai đoạn trước năm 2030 thay vì sau năm 2030 như quyết định ban đầu. Tiếp đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án được chuyển đổi từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Cao Bằng. Đặc biệt, dự án đã được rà soát điều chỉnh để tối ưu hướng tuyến, qua đó giảm tổng mức đầu tư từ hơn 44 nghìn tỷ đồng xuống còn hơn 23 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Hoàng, Dự án cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh triển khai theo phương thức PPP, trong đó, cơ cấu nguồn vốn áp dụng mô hình 3P, gồm: P1 (vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ: 6.580 tỷ đồng), P2 (vốn nhà đầu tư: 1.400 tỷ đồng) và P3 (các nguồn vốn khác: 6.351 tỷ đồng).

Ông Hồ Minh Hoàng chia sẻ: “Cao Bằng luôn đem lại trong tôi cảm xúc đặc biệt, phải làm điều gì để tri ân vùng đất cách mạng, phên dậu Tổ quốc”.

Trước anh linh Người tại Pác Bó, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả đã hứa với Bác quyết tâm thực hiện bằng được cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh. Sau 5 năm kiên định theo đuổi, nghiên cứu rút ngắn hướng tuyến để giảm tổng mức đầu tư, sáng tạo trong việc huy động vốn qua mô hình PPP, cùng với những giải pháp tối ưu khác, Đồng Đăng - Trà Lĩnh đang ở giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư. Có lẽ, với những khó khăn như vậy, cũng chỉ Đèo Cả mới “dám” thực hiện.

Về phía ngân hàng quan tâm đến dự án, ông Nguyễn Tiến Thành, đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) khẳng định: "Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là dự án có quy mô rất lớn, chúng tôi đang nghiên cứu, xem xét tài trợ vốn cho dự án và sẽ phản hồi trong ngay trong tháng này".

Phản hồi các ý kiến của ngân hàng và nhà đầu tư quan tâm dự án, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: Cao Bằng sẽ bố trí đủ nguồn vốn ngân sách nhà nước tham gia hỗ trợ dự án và thực hiện đầy đủ các cam kết với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền về công tác giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu thi công.

Đồng thời, ông Ánh cho biết, thời gian tới, UBND tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục làm việc với các bộ, ngành liên quan để kiến nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép nâng tỷ lệ vốn hỗ trợ của nhà nước tại cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên hơn 50% tổng mức đầu tư của dự án.

Đề cập đến phần vốn của ngân sách địa phương tham gia hỗ trợ dự án (4.080 tỷ đồng), người đứng đầu chính quyền tỉnh Cao Bằng khẳng định địa phương sẽ dừng hết các dự án khác để tập trung mọi nguồn lực cho cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh.

“Dù việc bố trí vốn còn phải phụ thuộc vào nguồn thu hàng năm của địa phương, nhưng chúng tôi cam kết nếu thiếu chỗ này sẽ bù bằng chỗ khác để đảm bảo đủ vốn triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh", ông Hoàng Xuân Ánh cam kết.

Bảo Như - Baomoi.com

View: 2028

scrolltop